Cô bé 14 tuổi ở Hà Nam bị giáo viên phát hiện lấy trộm trang sức, đồng hồ, áo thun của các bạn cùng lớp, không chỉ một mà nhiều lần. Tuy nhiên, điều khó hiểu là Minh không hề khó khăn. Ngược lại, gia đình bé được coi là giàu có vì bố mẹ kinh doanh phát đạt.
Buổi đầu gặp thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An, Minh nói không biết bố mẹ đưa đến vì lý do gì, "được đưa đến thì cháu đến thôi". Đến khi bố mẹ ra khỏi phòng và nhà tâm lý hỏi nguyên nhân ăn trộm, cô bé bật khóc: "Không ai biết cháu muốn gì, không ai hỏi cháu ăn uống gì không".
Minh kể rằng chuyện trộm đồ mới diễn ra ba tháng, bản thân cô bé không nhớ đã lấy bao nhiêu món nhưng khẳng định hành vi này chỉ diễn ra ở trường. Minh mặc quần áo hàng hiệu từ bé, chỉ trộm đồ để "người lớn quan tâm hơn".
Bố mẹ đi vắng suốt, Minh hay ở nhà với bác giúp việc. Trong mắt người lớn, Minh là đứa con ngoan nhưng cô bé tự đánh giá: "Cháu chẳng có gì đặc biệt".
Bố mẹ đều thành công và bận rộn khiến Minh "cảm thấy mình không có giá trị, sống vô hình". Họ hiếm khi hỏi han cô bé về việc học hay bạn bè, lúc con chủ động chia sẻ cũng gạt đi. Ngày mèo cưng của Minh chết, bố mẹ mua vội cho con giầy mới, áo mới để an ủi dù đứa trẻ không hề thích.
"Sống với bố mẹ cháu stress lắm", Minh nói. Trước kia, cô bé từng đòi nghỉ học.
Phát hiện con ăn trộm, bố mẹ Minh rơi vào bế tắc. Họ không biết nên xử lý thế nào, cũng không bảo con mang đồ đi trả và xin lỗi bạn bè. Họ đưa con đến gặp nhà tâm lý chỉ vì giáo viên gợi ý.
Ảnh: Shutterstock. |
Tại Việt Nam, hiện tượng trẻ nhà giàu ăn trộm không phổ biến nhưng trên thế giới, nhất là các nước phát triển, vấn đề này đã quen thuộc. Trên Psychology Today , giáo sư tâm lý Suniya S. Luthar từ Đại học Arizona State (Mỹ) cho biết tỷ lệ trẻ nhà giàu sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống, gian lận và ăn cắp (thường từ bố mẹ hoặc bạn bè) cao hơn trẻ nhà bình thường.
"Chúng ta hay giả định rằng giáo dục và tiền bạc đem tới hạnh phúc nhưng điều này không còn đúng nữa. Các bằng chứng cho thấy trẻ nhà giàu ngày nay dễ tổn thương hơn nhiều", giáo sư Luthar phân tích. Theo bà, phần lớn hành vi "nổi loạn" xuất hiện từ tuổi 13 vì đây là thời điểm trẻ bắt đầu suy nghĩ về câu hỏi "tôi là ai". Bên cạnh đó, trẻ gái dễ bị ảnh hưởng hơn trẻ trai.
Trường hợp Trần Minh, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An cho rằng cô bé vừa bị thiếu quan tâm, vừa thấy mình lép vế trong nhà. "Ăn trộm trở thành phương tiện để Minh gây chú ý", bà An lý giải.
"Trẻ ăn trộm không nhằm mục đích lấy tiền tiêu thì chủ yếu do buồn chán, cô đơn trong gia đình và gặp khó khăn tâm lý. Chúng muốn làm điều không ai ngờ tới, thích qua mặt người khác để cảm thấy mình có giá trị", thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) nhận định.
Qua 14 năm làm việc, bà Nga từng tiếp xúc với một số ca trẻ nhà giàu ăn trộm, trong đó có trường hợp nữ sinh 17 tuổi ở Lạng Sơn nhiều lần lấy đồng hồ, trang sức của hàng xóm dù không hề thiếu tiền. Đồ trộm về, cô bé này chỉ để ở phòng, không sử dụng cũng chẳng bán. Đến lúc bố mẹ gửi đến chuyên gia tâm lý, cô mới trải lòng: "Nhà cháu rộng quá, Công ty dịch thuật Đồng Nai chẳng ai ở nhà bao giờ. Cháu thấy trống trải lắm, cháu không có niềm vui".
Thạc sĩ Nga lưu ý, trẻ ăn trộm vì các nguyên nhân kể trên thường tỏ ra buồn bã, chán nản, lo âu, cô đơn, ít bạn bè, ít gần gũi chia sẻ với bố mẹ ít nhất một tháng trước khi xuất hiện hành vi ăn trộm. Để được đánh giá và hỗ trợ đúng, trẻ cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc nhà tâm lý.
Nếu thấy con ăn trộm đồ, bà Nga khuyến cáo bố mẹ cần cố gắng giữ bình tĩnh, tìm hiểu kỹ lý do con hành động như vậy, cho con cơ hội sửa chữa chứ đừng ứng xử như thể trẻ xấu xa, hư hỏng. Đồng quan điểm, bà An cho rằng: "Trẻ học tốt nhất khi biết mình được yêu thương vô điều kiện. Song song với dạy dỗ, bố mẹ cần biết lắng nghe và thấu hiểu".
Không chỉ làm việc cùng Minh, nhà tâm lý còn tư vấn cho bố mẹ cô bé để họ xem lại cách thưởng phạt, đối xử với con. Sau ba tháng, Minh chia sẻ gia đình đã hiểu nhau hơn dù còn ngại ngùng. Mỗi tuần, bố mẹ cố gắng nói chuyện ít nhất 30 phút với con. Những món đồ bị trộm đều đã được trả lại.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Minh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét